TTO - Tôi lớn lên nơi mảnh đất miền Trung. Thật không may, 15 tuổi tôi phải chấp nhận sự thật phũ phàng: tôi bị điếc. Nhà nghèo, không có tiền chữa bệnh hay mua máy trợ thính, tôi mặc cảm sống khép mình suốt một thời gian.
Tôi có đôi chút băn khoăn trước ngưỡng cửa tình yêu vì mặc cảm với những khiếm khuyết của cơ thể -)
Cuộc sống của tôi cứ trôi qua trong nhạt nhẽo, buồn tẻ đến khi tôi tốt nghiệp trung cấp. Ngày đầu tiên đi xin việc tại một công ty ở Sài Gòn. Đứng trước cổng công ty, tôi không nghe tiếng kèn xe inh ỏi nên vẫn bước đi thản nhiên. Khác với những gương mặt nhăn nhó, lườm nguýt mỗi khi quay lại nhìn tôi, người thanh niên ấy nhìn tôi kèm nụ cười tươi. Nụ cười tươi sáng ấy tưởng có thể làm tiêu tan cái nắng ong bức của Sài Gòn.
Trong căn phòng yên ắng, tôi hồi hộp chờ đến lượt phỏng vấn. Cửa hé mở, tôi không tin vào mắt mình khi anh lại là người phỏng vấn tôi. Anh lần giở hồ sơ, dừng lại vài giây ở phiếu khám sức khỏe. Rồi anh viết những dòng chữ nắn nót, tròn trịa trên tờ giấy trắng đưa cho tôi: “Anh tin em sẽ làm tốt công việc kế toán. Ngày mai em đến làm việc nhé!”.
Những dòng chữ ấy như nhảy nhót trước mắt tôi. Ba tháng qua, tôi lặn lội xin việc khắp nơi, nhận bao ánh mắt dè chừng và bao nhiêu cái đầu khi nhìn đến hồ sơ của tôi. Nhưng anh lại nhận tôi vào làm việc không chút đắn đo.
***
Ở công ty, giờ giải lao trong khi mọi người cười nói, tôi lại thu mình vào một góc. Nỗi mặc cảm, tự ti vẫn len lén chảy trong tim tôi. Những giây phút ấy, chỉ có anh âm thầm quan tâm tôi. Anh thường trò chuyện với tôi bằng cách viết lên giấy. Đêm đêm, tôi mân mê chiếc điện thoại, hồi hộp chờ đợi tin nhắn của anh. Anh thường nói với tôi: “Trên đời này không có ai thừa cả. Bản thân mỗi người đều có giá trị riêng”.
Sinh nhật tôi, món quà bất ngờ anh mua tặng khiến tôi ứa nước mắt: một chiếc máy trợ thính đặc biệt. Đó là ước mơ một thời thiếu nữ của tôi. Câu đầu tiên tôi nghe anh nói sẽ mãi mãi nằm lại trong trí nhớ của tôi dù thời gian có trôi qua bao lâu: “Anh yêu em và muốn cùng em đi hết cuộc đời này”. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe được những lời yêu thương từ một chàng trai. Nhưng cũng trong giây phút ấy, tôi lo lắng tự hỏi: liệu anh yêu tôi thật lòng hay chỉ thương hại? Giữa tình yêu và lòng thương hại đôi khi chỉ là lằn ranh mong manh.
“Em cần thêm thời gian để suy nghĩ” - tôi đáp. Gương mặt anh thoáng buồn khi nghe những lời nói lạnh lùng của tôi. Những ngày sau đó, tôi luôn giữ khoảng cách với anh. Tôi thu mình lại trong nỗi mặc cảm, tự ti của một người khiếm thính. Trái hẳn với thái độ né tránh của tôi, anh quan tâm tôi tỉ mỉ từ công việc đến sức khỏe.
Một buổi sáng, tôi cầm tờ đơn xin nghỉ việc cùng chiếc máy trợ thính đặt trước mặt anh. Đôi mắt anh hằn lên những tia đỏ giận dữ pha lẫn buồn bã. Anh nhìn sâu vào đáy mắt tôi, nói: “Sao em sợ gặp anh đến vậy? Em không cần phải nghỉ việc đâu. Anh sẽ rời khỏi công ty để em được thoải mái. Còn chiếc máy trợ thính này em cứ giữ lấy, coi như đó là một kỷ niệm về anh”.
Những lời nói của anh khiến lòng tôi đau nhói. Không hiểu sao nước mắt tôi lại lăn dài trên má. Lúc ấy tôi muốn giải thích cho anh hiểu tất cả mọi chuyện. Mấy tiếng: “Em cũng yêu anh nhưng em không thể vượt qua nỗi mặc cảm bản thân” cứ dồn nén trong cổ tôi. Tôi xin lại tờ đơn xin nghỉ việc. Anh đeo lại chiếc máy trợ thính vào tai tôi. Ngày hôm đó, tôi nhận được một email thật dài của anh. Những điều không thể nói ra thành lời, chúng tôi đều gửi cả vào những dòng chữ in nghiêng trên máy tính. Nhờ những lá thư điện tử ấy mà anh và tôi ngày càng hiểu nhau sâu sắc hơn.
Ngoài những cuộc hẹn hò riêng, anh thường dẫn tôi đi gặp bạn bè. Anh luôn chủ động gợi ý để tôi và mọi người bắt chuyện với nhau. Tôi biết anh đang kéo tôi ra khỏi những bức tường mặc cảm đóng kín cuộc đời tôi trong nhiều năm qua. Sắp tới anh sẽ dẫn tôi về ra mắt gia đình anh. Tôi biêt đón nhận tình yêu của anh, tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi “miệng thế gian” và có khi là những rào cản từ gia đình anh. Nhưng tôi tin sẽ vượt qua tất cả khi có anh bên cạnh...
HOA THẢO